Quan điểm văn hóa xã hội Tính dục theo giới

Quan điểm văn hóa xã hội của tính dục theo giới nhấn mạnh vào quan niệm rằng nam và nữ giới là những sinh vật xã hội được cung cấp thông tin từ nhóm xã hội mà họ là một phần, và chính các khía cạnh xã hội và văn hóa của những nhóm này gây ảnh hưởng lên các đặc tính được quy cho nam và nữ giới.[8] Quan điểm văn hóa xã hội coi những đặc tính này mang tính biểu hiện, ngược lại với quan điểm tiến hóa, nơi mà chúng được mô tả thông qua các ý niệm về bản chất luận và tính bẩm sinh.[8]

Khi xem xét tính dục theo giới qua lăng kính văn hóa xã hội, có bốn yếu tố tương tác xã hội ảnh hưởng lên hành vi của một người:[7] yếu tố liên quan đến hành vi, yếu tố liên quan đến bối cảnh, yếu tố liên quan đến (các) bạn đời, và yếu tố liên quan đến bản thân người đó.

  • Yếu tố liên quan đến hành vi

Hành vi tính dục được đánh giá tích cực nhất sẽ quyết định những hành vi tính dục nào sẽ được chấp nhận nhiều nhất trong mối quan hệ với giới. Những hành vi này áp dụng cho các nhóm cụ thể, khi mà những đánh giá tích cực sẽ quy định những gì được xã hội chấp nhận, và theo sau đó, quy định những hành vi nào sẽ thúc đẩy hành vi tổng thể. Khi bàn về tính dục theo giới, Vanwesenbeck[7] đề xuất rằng một hành vi tình dục liên quan tới giới, nếu được chấp nhận một cách tích cực trong một nhóm xã hội, thì nó sẽ dễ xảy ra trong nhóm xã hội đó hơn là khi nó bị đánh giá tiêu cực. Trong bối cảnh phương Tây, điều này có thể được thấy trong dị tính luyến ái ở nam và nữ giới. Hành vi theo giới cũng bị ảnh hưởng bởi các đơn vị gia đình và chủ nghĩa tiêu dùng. Ví dụ phụ huynh mua quần áo cho con trai mình ở khu "nam giới". Bằng cách tiếp thị quần áo như vậy, sự hiểu biết về tính dục của cá nhân có thể bị kiểm soát bởi các yếu tố bên ngoài từ khi còn nhỏ.

  • Yếu tố liên quan đến bối cảnh

Điều này đề cập đến cách hành vi theo giới của một cá nhân được thúc đẩy và/hoặc khuyến khích bởi bối cảnh tính dục trong cộng đồng xã hội của người đó. Bối cảnh tính dục này được Vanwesenbeeck (2009) gọi là vũ đài tính dục của một cá nhân. Một số ví dụ về hoàn cảnh tính dục có thể là quán bar cho người đồng tính, câu lạc bộ tình dục (xem Ping pong show) hoặc văn hóa hip-hop. Tất cả những trải nghiệm này đều mang tính đặc thù của hoàn cảnh liên quan đến giới và tính dục, và có một ý nghĩa khác so với những gì được coi là "bình thường" tùy theo tình huống. Văn hóa và phong tục là một yếu tố khác góp phần vào tính dục theo giới phụ thuộc vào bối cảnh. Có những hành vi ứng xử của nam và nữ giới được coi là thông thường ở những quốc gia này, nhưng lại được cho là không thể chấp nhận được ở các quốc gia khác. Nam giới nắm tay nhau ở Ấn Độ được chấp nhận nhiều hơn là ở phương Tây, và chính bởi sự khác biệt văn hóa này, nhận thức và cách phản ứng đối với tính dục theo giới cũng khác nhau.

  • Yếu tố liên quan đến (các) bạn đời

Các tương tác tính dục khác nhau sẽ quyết định mức độ quan tâm của một cá nhân đối với việc làm theo những ảnh hưởng xã hội có phản hồi tích cực của giới. Các nghiên cứu cho thấy rằng sự gia tăng trong việc tiếp xúc và mức độ biểu hiện giới từ (các) bạn đời của cá nhân sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn lên việc tuân theo các mong đợi  về giới của họ. Sự theo chuẩn mực giới này có dẫn đến những kỳ vọng bất thành văn có thể gây tranh cãi và căng thẳng. Ví dụ, nam giới thường được kỳ vọng là phía sẽ cầu hôn nữ giới — chứ không phải ngược lại. Kỳ vọng xã hội này ảnh hưởng đến hành vi của những người có mong muốn kết hôn.

  • Yếu tố liên quan đến chủ thể

Yếu tố cuối cùng này phụ thuộc vào cá nhân, hay ở đây là chủ thể, và mức độ cố gắng của họ để theo các chuẩn mực giới xã hội.[7]

Có một số học thuyết thuộc quan điểm văn hóa xã hội được sinh ra nhằm chi phối tính dục theo giới.